Dung dịch

Bài học: Dung dịch giới thiệu đến các em ngắn gọn, chi tiết lý thuyết. Bên cạnh là các ví dụ và bài tập có lời giải chi tiết, xây dựng dựa trên kiến thức trọng tâm chương trình hóa 8.

I. Dung môi - Chất tan - Dung dịch

  • Dung môi là chất có khả năng hòa tan chất khác để tạo thành dung dịch.
  • Chất tan là chất bị hòa tan trong dung môi.
  • Dung dịch là hỗn hợp đồng nhất của dung môi và chất tan.

Ví dụ 1: Đường tan trong nước tạo thành nước đường.

Dung dịch: nước đường

Dung môi: nước

Chất tan: đường

Hình 1: Pha nước đường

II. Dung dịch chưa bão hòa. Dung dịch bão hòa

Ở một nhiệt độ xác định:

  • Dung dịch chưa bão hòa là dung dịch có thể hòa tan thêm chất tan.
  • Dung dịch bão hòa là dung dịch không thể hòa tan thêm chất tan.

Ví dụ:

Cho đường vào nước. Lúc đầu đường tan hoàn toàn, ta được dung dịch chưa bão hòa. Tiếp tục cho thêm đường vào nước đến khi đường không tan nữa. Khi đó ta được dung dịch bão hòa (không thể hòa tan thêm đường nữa).

III. Biện pháp để quá trình hòa tan chất rắn trong nước xảy ra nhanh hơn

Muốn quá trình hòa tan chất rắn diễn ra nhanh hơn, ta thực hiện các biện pháp sau:

1. Khuấy dung dịch

Sự khuấy làm cho chất rắn bị hòa tan nhanh hơn, vì nó luôn tạo ra tiếp xúc mới giữa chất rắn và các phân tử nước.

2. Đun nóng dung dịch

Đun nóng dung dịch làm cho chất rắn bị hòa tan nhanh hơn. Vì ở nhiệt độ cao, các phân tử chuyển động càng nhanh, làm tăng số lần va chạm giữa các phân tử nước với bề mặt chất rắn.

3. Nghiền nhỏ chất rắn

Kích thước của chất rắn càng nhỏ thì chất rắn bị hòa tan càng nhanh, vì gia tăng diện tích tiếp xúc giữa chất rắn với các phân tử nước.

Câu trắc nghiệm mã số: 29907,29908,29909
  • 2.012 lượt xem
Sắp xếp theo