Quần thể sinh vật

I. Khái niệm quần thể sinh vật

Khái niệm quần thể sinh vật: Quần thể sinh vật là tập hợp các cá thể cùng loài, sinh sống trong một khoảng không gian xác định, ở một thời điểm nhất định và có khả năng sinh sản để tạo ra những thế hệ mới.

Ví dụ: Quần thể rừng tràm ở An Giang, Việt Nam.

Rừng tràm ở An Giang

II. Các đặc trưng cơ bản của quần thể

Các đặc trưng cơ bản của quần thể gồm kích thước quần thể, mật độ cá thể trong quần thể, tỉ lệ giới tính, thành phần nhóm tuổi và kiểu phân bố các cá thể trong quần thể.

1. Kích thước quần thể

Khái niệm kích thước quần thể: Kích thước của quần thể là số lượng các cá thể phân bố trong khoảng không gian của quần thể.

Ví dụ: Ở vùng núi Tam Đảo, kích thước của quần thể cây đỗ quyên hoa đỏ khoảng 150 cây.

Đặc điểm:

  • Mỗi quần thể có kích thước đặc trưng phù hợp với khả năng cung cấp nguồn sống của môi trường và thực hiện các chức năng sinh học, đảm bảo cho quần thể duy trì và phát triển.
  • Kích thước quần thể phụ thuộc vào các yếu tố: mức sinh sản, mức tử vong, mức nhập cư và mức xuất cư.

2. Mật độ cá thể trong quần thể

Khái niệm mật độ cá thể trong quần thể: Mật độ cá thể trong quần thể là số lượng cá thể trên một đơn vị diện tích hay thể tích của quần thể.

Ví dụ: Mật độ của cây thông là 1000 cây/ha đất đồi.

Đặc điểm:

  • Mỗi quần thể có mật độ đặc trưng nhất định.
  • Khi mật độ quần thể quá cao hoặc quá thấp sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động sống của các cá thể trong quần thể như: tìm kiếm thức ăn, nơi ở; cơ hội gặp gỡ giữa các cá thể khác giới để sinh sản;…

3. Tỉ lệ giới tính

Khái niệm tỉ lệ giới tính: Tỉ lệ giới tính là tỉ lệ giữa số lượng cá thể đực và số lượng cá thể cái trong quần thể.

Ví dụ: Ở người, tỉ lệ nam/nữ ở giai đoạn sơ sinh là 1,05/1.

Đặc điểm:

  • Tỉ lệ giới tính là đặc trưng quan trọng đảm bảo hiệu quả sinh sản của quần thể.
  • Tỉ lệ giới tính có thể thay đổi theo thời gian, điều kiện sống,…

Ví dụ: Vào mùa sinh sản, rắn có số lượng cá thể cái cao hơn số lượng cá thể đực nhưng sau mùa sinh sản, số lượng chúng bằng nhau.

4. Nhóm tuổi

Quần thể có nhiều nhóm tuổi, mỗi nhóm tuổi có ý nghĩa sinh thái khác nhau, bao gồm: Nhóm tuổi trước sinh sản, nhóm tuổi sinh sản và nhóm tuổi sau sinh sản.

Cấu trúc nhóm tuổi của quần thể được biểu thị bằng các kiểu tháp tuổi:

Tháp phát triển
Tháp phát triển
Tháp ổn định
Tháp ổn định
Tháp suy thoái
Tháp suy thoái

Dạng tháp tuổi

Đặc điểm

Phát triển

Dạng tháp này có số lượng cá thể ở nhóm tuổi trước sinh sản cao → quần thể có xu hướng tăng trưởng kích thước quần thể.

Ổn định

Dạng tháp này có số lượng cá thể ở nhóm tuổi trước sinh sản và sinh sản bằng nhau → quần thể có xu hướng giữ ổn định kích thước quần thể.

Suy thoái

Dạng tháp này có số lượng cá thể ở nhóm tuổi trước sinh sản ít hơn nhóm tuổi sinh sản và sau sinh sản → quần thể có xu hướng giảm kích thước quần thể.

→ Ý nghĩa của việc nghiên cứu nhóm tuổi của quần thể trong việc khai thác thủy sản: Nghiên cứu nhóm tuổi giúp xác định được trạng thái phát triển của quần thể. Từ đó, việc nghiên cứu nhóm tuổi của quần thể giúp đưa ra chiến lược bảo vệ và khai thác thủy sản hợp lí, tránh việc khai thác chưa hết tiềm năng cho phép hoặc khai thác quá mức dẫn đến quần thể bị suy kiệt.

5. Phân bố cá thể trong quần thể

Mỗi quần thể có cách phân bố cá thể khác nhau. Có ba kiểu phân bố gồm phân bố đồng đều, phân bố theo nhóm và phân bố ngẫu nhiên:

Kiểu

phân bố

Sơ đồ

Nguyên nhân

Ví dụ

Phân bố đều

Điều kiện sống đồng đều, các cá thể có sự cạnh tranh gay gắt.

Cây thông trong rừng thông, chim hải âu làm tổ,…

Phân bố

theo nhóm

Điều kiện sống phân bố không đều, các cá thể có tập tính sống theo nhóm.

Nhóm cây bụi mọc hoang dại, đàn trâu rừng,…

Phân bố

ngẫu nhiên

Điều kiện sống phân bố tương đối đồng đều, các cá thể không có sự cạnh tranh gay gắt.

Các loài cây gỗ sống trong rừng mưa nhiệt đới, các loài sâu sống trên tán cây, các loài sò sống trong phù sa vừng triều,…

III. Biện pháp bảo vệ quần thể

Các quần thể sinh vật có thể bị biến động do tác động của các nhân tố vô sinh và hữu sinh, các tác động này có thể thay đổi theo chu kì hoặc không theo chu kì.

Ví dụ: Rừng U Minh Thượng bị cháy ảnh hưởng đến các quần thể sinh vật trong rừng.

Biện pháp bảo vệ quần thể:

  • Thành lập vườn quốc gia và khu bảo tồn, kiểm soát dịch bệnh, khai thác tài nguyên sinh vật hợp lí,… là những biện pháp quan trọng để quần thể được phát triển ổn định.
  • Đối với những quần thể có nguy cơ tuyệt chủng ở môi trường sống tự nhiên của chúng, cần di chuyển quần thể đến nơi sống mới như vườn thú, trang trại bảo tồn,…
Khu bảo tồn gấu ở Ninh Bình
Khu bảo tồn gấu ở Ninh Bình
  • 9 lượt xem
Sắp xếp theo