Môi trường trong cơ thể và hệ bài tiết ở người

I. Môi trường trong cơ thể

1. Khái niệm môi trường trong cơ thể

Môi trường trong cơ thể bao gồm máu, dịch mô (dịch giữa các tế bào) và dịch bạch huyết. Những điều kiện vật lí, hóa học của môi trường trong như nhiệt độ, huyết áp, pH, thành phần chất tan,... dao động quanh một giá trị nhất định gọi là cân bằng môi trường trong cơ thể.

Hình 1: Môi trường trong cơ thể

2. Vai trò của sự duy trì ổn định môi trường trong cơ thể

  • Thành phần, tính chất của môi trường trong được duy trì ổn định sẽ đảm bảo cho tế bào hoạt động bình thường. Từ đó, các cơ quan, hệ cơ quan và cơ thể hoạt động bình thường.
  • Khi môi trường trong bị mất cân bằng sẽ gây nên sự rối loạn trong hoạt động của các tế bào và các cơ quan, gây nên bệnh, thậm chí gây ra tử vong.

Ví dụ: Nếu hàm lượng glucose trong máu thường xuyên ở mức cao sẽ gây bệnh đái tháo đường, nếu hàm lượng uric acid trong máu thường xuyên ở mức cao sẽ gây bệnh gout.

Hình 2: Bệnh gout

II. Hệ bài tiết

1. Chức năng của hệ bài tiết

Bài tiết là quá trình lọc và thải các chất dư thừa, chất độc hại sinh ra do quá trình trao đổi chất của cơ thể. Hoạt động bài tiết đảm bảo ổn định môi trường trong cơ thể.

Bảng: Các cơ quan bài tiết và sản phẩm bài tiết chủ yếu
Cơ quan bài tiết Sản phẩm bài tiết
Da  Mồ hôi (nước, urea, muối,...)
Gan  Sản phẩm khử các chất độc và bilirubin (sản phẩm phân giải hồng cầu)
Phổi  Khí CO2, hơi nước
Thận  Nước tiểu (nước, urea, chất thừa, chất thải,...)

2. Cấu tạo của hệ bài tiết nước tiểu

Quá trình hình thành nước tiểu diễn ra ở các nephron. Nước tiểu tạo thành đổ vào bể thận, qua ống dẫn nước tiểu đổ vào bóng đái và thải ra ngoài qua ống đái.

Hình 3: Cấu tạo của hệ bài tiết nước tiểu

3. Một số bệnh liên quan đến hệ bài tiết nước tiểu

  • Nhiều mầm bệnh (virus, vi khuẩn, nấm,...) gây viêm thận, viêm đường tiết niệu. Uống ít nước, tác dụng phụ của một số loại thuốc có thể gây lắng đọng, kết tủa muối calcium trong thận và đường tiết niệu, gây sỏi thận, sỏi đường tiết niệu.

Hình 4: Bệnh sỏi đường tiết niệu

  • Biến chứng của bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, tổn thương thận do một số loại thuốc, chất độc hoặc viêm thận có thể dẫn đến suy thận.

Hình 5: 5 giai đoạn suy thuận mãn tính

  • Để phòng bệnh về hệ bài tiết, mỗi người cần thực hiện chế độ dinh dưỡng, lối sống lành mạnh.

Ví dụ: uống đủ nước, hạn chế ăn thức ăn chế biến sẵn chứa nhiều muối, hạn chế uống nước giải khát có gas, không nhịn tiểu,...

4. Một số thành tựu trong chữa bệnh liên quan đến thận

Khi cả hai thận của một bệnh nhân không đáp ứng được chức năng lọc máu để thải các chất độc, chất thừa ra khỏi cơ thể thì được gọi là suy thận giai đoạn cuối. Khi đó, bệnh nhân vẫn có thể sống nhờ phương pháp chạy thận nhân tạo hay ghép thận.

  • Chạy thận nhân tạo: Máy bơm sẽ từ từ rút máu từ bệnh nhân ra ngoài, máu chảy qua máy lọc máu. Tại máy lọc máu, máu được lọc bỏ chất thải, chất độc rồi được đưa trở lại cơ thể.

Hình 6: Chạy thận nhân tạo

  • Ghép thận: Là phương pháp ghép thêm một quả thận khỏe mạnh cho người bệnh bị suy thận giai đoạn cuối, thận của người cho phải phù hợp với người nhận.

Hình 7: Ghép thận

Câu trắc nghiệm mã số: 40116,36753,37566
  • 2 lượt xem
Sắp xếp theo