Miễn dịch

I. Kháng nguyên, kháng thể, miễn dịch

  • Kháng nguyên là những chất có trên bề mặt các yếu tố gây bệnh, có khả năng kích thích cơ thể tạo ra kháng thể chống lại các yếu tố gây bệnh đó.
  • Kháng thể là những phân tử protein được tạo ra khi cơ thể nhận biết được sự xâm nhập của các yếu tố gây bệnh. Kháng thể giúp chống lại các yếu tố gây bệnh.
  • Miễn dịch là khả năng cơ thể chống lại các yếu tố gây bệnh bằng cách tạo ra kháng thể.

Mở rộng:

  • Con người có khả năng không bị mắc một số bệnh vì đã có sẵn miễn dịch được gọi là miễn dịch bẩm sinh; con người không bị tái nhiễm một số bệnh đã từng mắc phải trước đó vì đã có sẵn miễn dịch được gọi là miễn dịch tập nhiễm. Miễn dịch bẩm sinh hay tập nhiễm đều là miễn dịch tự nhiên.
  • Ngoài ra, người ta có thể tiêm phòng vaccine để phòng ngừa một số bệnh, sau khi tiêm đủ liều lượng và thời gian thì người được tiêm phòng có khả năng miễn dịch đối với bệnh đó. Miễn dịch này được gọi là miễn dịch nhân tạo.

II. Cơ chế miễn dịch trong cơ thể người

Cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch

Thành phần chính trong hệ miễn dịch là các tế bào bạch cầu. Tế bào bạch cầu được chia thành ba loại:

  • Tế bào thực bào có chức năng tiêu diệt mầm bệnh bằng cách bao trọn, hấp thụ, sau đó nghiền nát và ăn các phần còn sót lại của mầm bệnh;
  • Tế bào lympho B giúp cơ thể ghi nhớ những bệnh trước đây đã gặp phải và nhận biết nếu chúng quay lại tấn công;
  • Tế bào lympho T phá huỷ các tế bào bị nhiễm bệnh.

Hình 1: Sơ đồ thực bào

Hình 2: Sơ đồ hoạt động của tế bào lympho B  Hình 3: Sơ đồ hoạt động của tế bào lympho T

III. Vai trò của vaccine và tiêm phòng vaccine

1. Vaccine và vai trò của vaccine

  • Vaccine là chế phẩm chứa một lượng rất nhỏ kháng nguyên hoặc mầm bệnh đã được bất hoạt hoặc làm giảm độc lực, có vai trò kích thích cơ thể tạo ra kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh.
  • Cơ thể người được tiêm vaccine sẽ ghi nhớ các kháng nguyên và tạo ra kháng thể khi gặp lại các kháng nguyên tương tự.

2. Vai trò của tiêm phòng vaccine

  • Tiêm vaccine giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, bại liệt, uốn ván, …; giảm thiểu các rủi ro do bệnh, tật như biến chứng, di chứng, tử vong so với nhóm không tiêm phòng.

Hình 3: Tiêm phòng vaccine

  • Tiêm phòng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỉ lệ mắc bệnh và tỉ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm. 
Câu trắc nghiệm mã số: 37734,44621,37739
  • 2 lượt xem
Sắp xếp theo