Tốc độ phản ứng là đại lượng chỉ mức độ nhanh hay chậm của một phản ứng hoá học.
Ví dụ: Tốc độ phản ứng cháy của que diêm nhanh hơn tốc độ phản ứng gỉ sét của bu lông.
Hình 1: Thí nghiệm tìm hiểu tốc độ phản ứng
Nồng độ chất phản ứng, nhiệt độ phản ứng, diện tích tiếp xúc, chất xúc tác là những yếu tố chính ảnh hưởng đến tốc độ phản ứng hoá học.
Khi tăng nồng độ của một hoặc nhiều chất phản ứng thường sẽ làm tăng tốc độ phản ứng.
Ví dụ: Thí nghiệm của Mg với dung dịch H2SO4 với nồng độ khác nhau:
Dụng cụ và hóa chất: 2 ống nghiệm; 2 ống hút nhỏ giọt; dung dịch sulfuric acid H2SO4 0,1 M và 2,0 M; 2 mảnh kim loại magnesium (Mg) tương tự nhau.
Các bước tiến hành:
Bước 1: Cho mảnh magnesium vào từng ống nghiệm.
Bước 2: Lấy 5 mL dung dịch H2SO4 0,1M cho vào ống nghiệm (1) và 5 mL dung dịch H2SO4 2M cho vào ống nghiệm (2). Quan sát hiện tượng xảy ra trong 2 ống nghiệm.
(1) Mg và H2SO4 0,1 M | (2) Mg và H2SO4 2,0 M |
Hình 2: Thí nghiệm của Mg với dung dịch H2SO4 với nồng độ khác nhau
Kết luận: Phản ứng xảy ra ở ống nghiệm (2) nhanh hơn ở ống nghiệm (1).
Nhiệt độ tăng sẽ làm cho các nguyên tử hay phân tử chất phản ứng chuyển động nhanh hơn, gia tăng sự va chạm, tốc độ phản ứng tăng.
Ví dụ: Thí nghiệm của Zn với dung dịch H2SO4 với nhiệt độ phản ứng khác nhau:
Dụng cụ và hóa chất: 2 ống nghiệm, ống hút nhỏ giọt, đèn cồn, dung dịch sulfuric acid (H2SO4) 2,0M, 6 hạt kẽm (Zn) tương tự nhau.
Cách tiến hành:
Bước 1: Cho 3 hạt kẽm vào từng ống nghiệm đã đánh số thứ tự (1) và (2).
Bước 2: Lấy 5 mL dung dịch H2SO4 2M cho vào mỗi ống nghiệm.
Bước 3: Dùng đèn cồn đun nhẹ một lát rồi đun trực tiếp đáy ống nghiệm (1), ống nghiệm (2) không đun. Quan sát hiện tượng xảy ra trong 2 ống nghiệm.
(1) ống nghiệm được đun nóng | (2) ống nghiệm không được đun nóng |
Hình 3: Thí nghiệm của Zn với dung dịch H2SO4 với nhiệt độ phản ứng khác nhau
Kết luận: Phản ứng xảy ra ở ống nghiệm (1) nhanh hơn ở ống nghiệm (2).
Tốc độ phản ứng sẽ phụ thuộc vào diện tích tiếp xúc của các chất tham gia.
Tốc độ phản ứng sẽ tăng lên nếu tăng diện tích bề mặt của chất tham gia bằng cách nghiền nhỏ, đập phẳng hoặc cắt thành nhiều mảnh.
Ví dụ: Thí nghiệm của đá vôi với dung dịch HCl
Dụng cụ hóa chất: 2 ống nghiệm, kẹp sắt, dung dịch hydorchloric acid (HCl) và đá vôi (dạng bột và dạng viên) có cùng khối lượng.
Cách tiến hành:
Bước 1: Cho vào ống nghiệm (1) một mẩu đá vôi nhỏ, ống nghiệm (2) một ít bột đá vôi đã nghiền mịn.
Bước 2: Thêm 5 mL dung dịch HCl vào lần lượt từng ống nghiệm. Quan sát hiện tượng xảy ra trong 2 ống nghiệm.
(1) đá vôi dạng viên | (2) đá vôi dạng bột mịn |
Hình 4: Thí nghiệm của đá vôi với dung dịch HCl
Kết luận: Phản ứng xảy ra ở ống nghiệm (2) nhanh hơn ở ống nghiệm (1).
Một trong những cách làm tăng tốc độ phản ứng là thêm chất xúc tác vào chất tham gia.
Chất xúc tác là chất làm tăng tốc độ phản ứng nhưng không bị thay đổi cả về chất và lượng sau phản ứng.
Ví dụ: Phản ứng nhiệt phân KClO3.
Dụng cụ, hóa chất: 2 ống nghiệm, đèn cồn, thìa xúc hóa chất, kẹp sắt, giá thí nghiệm, potassium chlorate (KClO3), manganese dioxide (MnO2).
Cách tiến hành:
Bước 1: Cho vào ống nghiệm (1) 5 gam KClO3 và ống nghiệm (2) hỗn hợp gồm 5 gam KClO3 và một ít MnO2 đã trộn đều.
Bước 2: Lắp đặt 2 ống nghiệm trên giá sắt
Bước 3: Đun nóng cùng lúc 2 ống nghiệm trên ngọn lửa đèn cồn.
Bước 4: Đưa lại gần miệng ống nghiệm 2 ống nghiệm que đóm còn tàn đỏ. Quan sát hiện tượng xảy ra trong 2 ống nghiệm.
Hình 5: Thí nghiệm đun nóng KClO3
Kết luận: Phản ứng xảy ra ở ống nghiệm (2) nhanh hơn ở ống nghiệm (1).
Các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ phản ứng được vận dụng một cách thích hợp sẽ tăng hiệu quả các hoạt động trong đời sống và sản xuất.
Ví dụ:
Hình 6: Vận dụng các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ phản ứng trong đời sống thực tế