Thực hành: Cấp cứu, băng bó vết thương, đo huyết áp ở người

I. Chuẩn bị

  • Dụng cụ: băng y tế, gạc y tế, bông y tế, miếng dán vết thương, dây garo, máy đo huyết áp.
  • Hoá chất: xà phòng rửa tay, dung dịch sát trùng (iodine, nước muối sinh lí, oxy già (hydrogen peroxide)).

 

Hình 1: Dụng cụ thực hành băng bó vết thương chảy máu

II. Cách tiến hành

1. Cấp cứu người bị chảy máu

Do đặc thù của các loại vết thương dẫn đến những tổn thương mạch máu, gây chảy máu:

  • Chảy máu ở mao mạch và tĩnh mạch thường chảy chậm, áp lực dòng chảy thấp;
  • Chảy máu ở động mạch thường nhanh, ồ ạt, áp lực dòng chảy lớn.

a) Cấp cứu người bị chảy máu mao mạch và tĩnh mạch

Bước 1: Rửa tay dưới vòi nước sạch hoặc nước rửa tay khô, sau đó kiểm tra vết thương, xác định vị trí chảy máu.

Bước 2: Dùng ngón tay giữ chặt vết thương cho đến khi máu ngưng chảy.

Bước 3: Sát trùng vết thương bằng dung dịch sát trùng.

  • Nếu vết thương nhỏ: Dùng miếng dán vết thương dán kín chỗ bị thương.
  • Nếu vết thương lớn: Đặt một ít bông vào giữa hai miếng gạc rồi đặt vào miệng vết thương, sau đó dùng băng cuốn và buộc chặt lại.

Bước 4: Theo dõi tình trạng vết thương sau khi băng.

Hình 2: Rửa tay dưới vòi nước sạch Hình 3: Giữ chặt vị trí chảy máu sau đó dùng băng cuốn và buộc chặt lại.

b) Cấp cứu người bị chảy máu động mạch và vết thương chảy nhiều máu

Bước 1: Rửa tay dưới vòi nước sạch hoặc nước rửa tay khô, sau đó kiểm tra vết thương, xác định vị trí chảy máu hoặc động mạch bị tổn thương.

Bước 2: Dùng ngón tay hoặc cả bàn tay đè, nắm chặt hoặc dùng khăn, tay áo, ống quần buộc chặt vào động mạch theo đường đi từ tim đến vết thương. Thời gian giữ chặt trung bình từ 15 đến 30 phút sau khi vết thương đã tạm thời được cầm máu.

Bước 3: Đặt miếng gạc hoặc vải dày ngay vị trí sát vết thương về phía gần tim, dùng dây garo (hoặc dây cao su, dây vải) buộc chặt đủ để cầm máu.

Bước 4: Đưa người bị nạn đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.

Rửa tay dưới vòi nước sạch Giữ chặt vị trí chảy máu
Buộc chặt vết thương Đưa người bị chảy máu đến cơ sở y tế gần nhất

Hình 4: Các bước cấp cứu người chảy máu động mạch

2. Cấp cứu người bị đột quỵ não

  • Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não là hiện tượng não bị mất chức năng cấp tính. Nếu tình trạng này kéo dài sau vài phút, các tế bào não bắt đầu chết. 
  • Quy trình thực hiện sơ cứu bệnh nhân đột quỵ gồm các bước: 

Bước 1: Nhận biết dấu hiệu đột quỵ thông qua biểu hiện bên ngoài:

Hình 5: Dấu hiệu đột quỵ 

Bước 2: Không để bệnh nhân bị té ngã, khi bệnh nhân có dấu hiệu của đột quỵ cần cho bệnh
nhân nằm ở trên mặt phẳng, cứng.

Bước 3: Làm thông thoáng đường thở cho bệnh nhân bằng cách nới lỏng quần, áo hoặc để
bệnh nhân nằm ở tư thế thoải mái.

Bước 4: Gọi trợ giúp từ những người xung quanh và nhân viên y tế thông qua đường dây nóng 115. Khi gọi, cần cung cấp một vài thông tin như địa điểm và đặc biệt nhấn mạnh tình trạng của bệnh nhân đang bị đột quỵ.

3. Cấp cứu người bị đột quỵ do nhồi máu cơ tim

  • Dấu hiệu của người bị nhồi máu cơ tim: đau thắt ngực, mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, bồn chồn, lo lắng quá mức, …
  • Các bước sơ cứu người đột quỵ do nhồi máu cơ tim:

Bước 1: Nhận biết các dấu hiệu để phát hiện người bị nhồi máu cơ tim.

Bước 2: Xử lí tại chỗ:

Nếu còn tỉnh táo, bệnh nhân cần:

  • Dừng ngay mọi hoạt động đang làm, ngồi nghỉ ngơi hoặc nằm theo tư thế nằm ngửa (co đầu gối, nằm nghiêng 75o so với mặt đất).
  • Buông lỏng phần vai và hai cánh tay; nhắm mắt lại, hít thở nhẹ nhàng bằng mũi, không cố hít sâu hay nín thở để tránh bị căng thẳng và tim bị mệt.
  • Cởi bớt áo khoác ngoài, nới rộng khăn quàng cổ, cà vạt (nếu có).
  • Uống một liều thuốc trị đau thắt ngực theo đơn của bác sĩ (nếu có).
  • Gọi xe cấp cứu hoặc nhờ người đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất.

Nếu bệnh nhân bất tỉnh, người cấp cứu cần thực hiện theo một trong hai cách sau:

  • Cách 1: Ép tim ngoài lồng ngực

Để người bệnh nằm lên một mặt phẳng cứng, quỳ gối phía bên trái của người bệnh. Chồng hai bàn tay lên và đặt trước tim (ngay trên xương ức), dùng toàn lực ép mạnh và sâu xuống 1/3 lồng ngực rồi nới lỏng tay. Lặp lại động tác này liên tục 60 lần/phút để tăng co bóp tim.

  • Cách 2: Hô hấp nhân tạo

Đặt người bệnh nằm ở nơi thoáng đãng, nới rộng quần, áo, kiểm tra dị vật trong miệng và kê cao cổ để đầu hơi ngửa ra phía sau. Sau đó, bịt mũi người bệnh rồi dùng miệng của mình lấy hơi và thổi vào miệng người bệnh nhiều lần.

Lưu ý: Trong thời gian hô hấp nhân tạo nhờ người hỗ trợ và gọi cấp cứu qua đường dây nóng 115.

Hình 6: Minh họa hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực

4. Đo huyết áp

Đo huyết áp bằng máy đo huyết áp điện tử: Đây là loại máy đo chạy bằng pin, dễ thực hiện.

Các bước đo huyết áp bắp tay được thực hiện bằng máy đo huyết áp điện tử:

  • Bước 1: Kiểm tra pin theo hướng dẫn.
  • Bước 2: Lắp vòng bít vào bắp tay, mở vòng bít theo hình vòng tròn và luồn vào bắp tay sao cho mép dưới của vòng bít sát khuỷu tay.
  • Bước 3: Xiết vòng bít vào bắp tay nhưng không quá chặt, khoảng cách vừa hai ngón tay.
  • Bước 4: Bấm nút khởi động, vòng bít sẽ tự động bơm đúng áp suất đo và xả hơi khi đo xong.
  • Bước 5: Đọc kết quả tự động hiện trên màn hình máy đo.

Hình 7: Máy đo huyết áp điện tử

  • 1 lượt xem
Sắp xếp theo